TỔNG HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ
*****************
Bệnh tự kỷ đã được mô tả từ những năm 40 của thế kỷ 20, nhưng cho đến nay vẫn được coi là điều mới mẻ với nhiều người, thậm chí cả với những nhân viên làm trong ngành y tế. Khi mà chúng ta còn đang mơ hồ về nó thì hàng ngày bệnh tự kỷ vẫn tấn công chúng ta với quy mô không nhỏ.
Với khái niệm tự kỷ theo nghĩa cổ điển cách nay 10 năm, chứng tự kỷ là một bệnh hiếm gặp, tỉ lệ khoảng từ 4-6 trẻ trong trong 10000 dân. Theo các nghiên cứu gần đây với khái niệm “Chứng tự kỷ mới” (New autism) đã cho thấy tỉ lệ đáng lo ngại, cứ 150 trẻ em được sinh ra sẽ có 1 trẻ bị tự kỷ. Khái niệm “dịch tự kỷ” đã xuất hiện ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và đây cũng là vấn đề thời sự hiện nay trên thế giới.
TẠI SAO BỆNH TỰ KỶ LÀ VẤN ĐỀ THỜI SỰ
Khi một trẻ em được chẩn đoán “Tự Kỷ” thì chứng này sẽ theo trẻ đó suốt cả cuộc đời, cũng đồng nghĩa với việc trẻ sẽ đi cùng với những rối loạn phát triển: Các khiếm khuyết về nhận thức, rối loạn cảm giác, khó khăn trong quan hệ giao tiếp với mọi người, chậm phát triển ngôn ngữ, biểu hiện các hành vi bất thường, rối loạn cảm xúc…Làm cho người bị tự kỷ phát triển khác thường về nhân cách, khó khăn trong hoà nhập cộng đồng.
Cho đến nay bệnh tự kỷ vẫn là điều bí ẩn, vì qua rất nhiều giả thuyết và các công trỉnh nghiên cứu hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác về chứng tự kỷ.
Theo một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, tỉ lệ trẻ tự kỷ rất cao trong số trẻ sơ sinh và chứng này ngày càng gia tăng nhưng không biết rõ nguyên nhân.
Khi khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ cũng có nghĩa là chưa đưa ra được phương pháp trị liệu hữu hiệu nhất. Điều này dẫn đến nhiều phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ xuất hiện trong thời gian gần đây.
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ
Do bệnh tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan toả, là bệnh không khu trú vào một lĩnh vực cụ thể nào, thể hiện sự rối loạn toàn diện các mặt trong đời sống tâm lý con người. Khi mà các bác sỹ tâm thần vẫn chưa tìm ra phương thuốc trị liệu hữu hiệu thì các nhà tâm lý, nhà giáo dục học, vật lý trị liệu, chỉnh âm, tâm vận động…tham gia trị liệu đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Sau đây là một số phương pháp đã từng được áp dụng trong trị liệu trẻ tự kỷ trên thế giới và Việt Nam.
Theo quan niệm trước đây, trẻ tự kỷ chỉ được chữa trị một phương pháp hay một số phương pháp theo quan điểm của những người trị liệu trực tiếp trên trẻ (người theo một phương pháp nào đó) hay cha mẹ chúng. Ngày nay, do có nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng quan tâm đến chứng tự kỷ nên đã xuất hiện nhiều phương pháp trong việc điều trị. Với quan điểm hiện tại, trị liệu trẻ tự kỷ nên kết hợp nhiều phương pháp khác nhau tuỳ theo khả năng, mức độ và giai đoạn và sự tiến triển bệnh của trẻ.
M ục đích bài tham luận này cung cấp một cách toàn diện hệ thống các phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ hiện hành, giúp các bậc phụ huynh và những nhà chuyên môn có cách nhìn khái quát về nội dung, phương pháp cũng như cách thức tiến hành.
I. CÁC PHƯƠNG PHÁP Y – SINH HỌC
1. Sử dụng hóa dược
Điều đầu tiên muốn nói là thuốc không nhằm chữa hết chứng tự kỷ vì chưa có thuốc đặc trị, thuốc chỉ dùng để chữa triệu chứng. Hội chứng tự kỷ gồm nhiều triệu chứng khác nhau và các triệu chứng này thay đổi ở mỗi trẻ. Khi trẻ được cho uống thuốc thì mục đích là chữa một hay nhiều triệu chứng có liên quan. Trong khi sử dụng thuốc các bác sĩ nhắm tới trị liệu làm giảm các triệu chứng: tính hiếu động, kém chú ý, hành vi rập khuôn, hành vi tự hủy hoại, hung hăng, lo lắng quá độ, lầm lì, khó ngủ.
Haloperidol, thuốc chống loạn thần, với liều 0,5 à 4 mg/ngày. Thuốc có nhiệm vụ làm giảm tính lầm lì khép kín và hành vi rập khuôn (Campbell, 1983).
Fenfluramine, thuốc kháng serotonin (Levontal 1993).
Naltrexone, thuốc kháng opiate, có tác dụng giảm tăng động, cải thiện quan hệ xã hội (Campbell 1993; Henman 1991; Kalmen 1995).
Clomipvamine, thuốc ức chế thu hồi 5 – HT, có tính chất chống ám ảnh, tác dụng làm giảm các hành vi mang tính nghi thức ám ảnh, hành vi định hình, gây hấn và xung động xã hội, cải thiện quan hệ xã hội.
Fluoxetine, một chất ức chế thu hồi 5 – HT khác, cũng làm giảm triệu chứng chung của tự kỷ nhưng lại gây tác dụng phụ: tăng động, ăn không ngon, mất ngủ (Cook 1992).
Ngoài ra vitamine B6 và magnesium cũng được sử dụng trong trị liệu trẻ tự kỷ…
Tuy nhiên hiện nay chưa có loại thuốc nào đặc trị cho trẻ tự kỷ. Các thuốc trên chỉ để hỗ trợ trị liệu những triệu chứng đơn lẻ, riêng biệt trong hội chứng tự kỷ.
2. Giải độc hệ thống
Xuất phát từ quan điểm cho rằng, trẻ bị tự kỷ là do nhiễm độc thủy ngân và bằng phương pháp loại trừ hệ thống để thải chất thủy ngân ra ngoài. Phương pháp này được coi là có hiệu quả trên cơ sở thực nghiệm chữa trị của một số nhóm bác sĩ tại Mỹ. Tuy nhiên, đến nay phương pháp này vẫn chưa được coi là phương pháp chính thống, do chưa chứng minh được cơ chế gây bệnh cũng như cơ chế khỏi bệnh bằng phương pháp giải độc thủy ngân.
3. Ăn kiêng
Có giả thuyết cho rằng trẻ bị tự kỷ là do trẻ bị rối loạn một số tuyến nội tiết trong cơ thể, thiếu sinh tố, và bị dị ứng với một số chất từ bên ngoài đưa vào cơ thể. Theo một số tác giả của giả thuyết này trẻ tự kỷ cần được kiểm soát chặt chẽ những thành phần hóa học của những chất cung cấp cho cơ thể. Do đó, ăn kiêng là biện pháp đưa lên hàng đầu của phương pháp này. Các chất mà các tác giả đưa ra là: sữa và các sản phẩm làm từ sữa, đường, bột mì…
Đây vẫn được coi là giả thuyết vì chưa có một công trình khoa học nào được khẳng định chắc chắn về vấn đề này.
4. Vật lý trị liệu
Phương pháp này nhằm giúp trẻ hoạt hóa một số cơ quan vận động không được hoạt động hoặc hoạt động kém ở trẻ tự kỷ. Trong sinh hoạt hằng ngày, có nhiều cơ quan vận động của trẻ hoạt động bình thường, nhưng trẻ tự kỷ không muốn vận động cơ quan đó do tính tự kỷ quy định; vật lý trị liệu là cách tốt nhất giúp trẻ hoạt hóa các cơ quan này. Các hoạt động vận động của trẻ thường gặp khó khăn là: vận động chéo của chân và tay, vận động của cơ quan phát âm, các vận động tinh của đôi bàn tay và có những trẻ gặp khó khăn cả trong vận động thị giác khi tri giác các sự vật và hiện tượng trong thế giới.
Vật lý trị liệu còn giúp loại bỏ những hành vi định hình đặc trưng của trẻ tự kỷ, thay vào đó là sự tăng cường các hành vi tích cực, phù hợp với hoàn cảnh, với hoạt động xã hội của bản thân trẻ tự kỷ.
5. Bấm huyệt
Theo định nghĩa của Bộ Y tế Nhật Bản, bấm huyệt là thủ thuật dùng ngón tay cái, các ngón khác và lòng bàn tay, với sự trợ giúp của dụng cụ bất kỳ (cơ học hay loại khác) để tạo áp lực trên da bệnh nhân. Mục đích là điều chỉnh các rối loạn chức năng, tạo hưng phấn, duy trì sức khỏe và điều trị một số bệnh đặc thù.
Phương pháp được áp dụng nhiều cho những trẻ tự kỷ tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Việt Nam. Có phụ huynh cho rằng khi trẻ tự kỷ được kết hợp nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp châm cứu, bấm huyệt thì trẻ có tiến bộ rõ ràng, trẻ có thể nói được một số từ và hợp tác hơn với người lớn, chịu chơi với trẻ em khác hơn. Đây là phương pháp khó chứng minh về mặt khoa học nhất trong nhóm các phương pháp y – sinh học. Do vậy mà phương pháp này cũng chưa được kiểm chứng thuyết phục về mặt khoa học.
6. Nerofeedback
Phản hồi thần kinh (NFB), cũng được gọi là trị liệu thần kinh, phản hồi sinh học thần kinh hay phản hồi sinh học qua điện não đồ (EEGBF) EEG là một kỹ thuật chữa bệnh bằng việc phản hồi tức thời trên hoạt động của sóng điện não, như được đo bởi những điện cực trên da đầu, biểu hiện điển hình trên màn hình video. Mục tiêu sẽ cho phép điều khiển có ý thức hoạt động của sóng điện não. Nếu hoạt động não thay đổi theo xu hướng mong muốn của bác sĩ thì một " phần thưởng " tích cực được trao cho cá nhân, và nếu hoạt động của sóng điện não theo hướng tiêu cực thì hoặc là có một sự phản hồi âm tính hoặc là không có sự phản hồi nào được đưa ra (phụ thuộc vào nghi thức). Những phần thưởng có thể đơn giản như sự thay đổi cao thấp của một âm thanh hay độ phức tạp của một kiểu hoạt động nhất định trong đặc tính của một trò chơi video. Kinh nghiệm này có thể được gọi là sự điều hoà có kiểm soát những trạng thái trong cơ thể.
Với phương pháp này có thể hỗ trợ tích cực khi muốn trẻ tự kỷ tương tác với kích thích trong điều trị.
7. Oxy cao áp(hyperbaric oxygen - HBO)
HBO là một điều trị y học trong đó bệnh nhân được đặt trong môi trường ô-xy tinh khiết gần như 100% với áp lực lớn hơn 1,4 atmosphere. Ngoài hô hấp, lượng ô-xy thấm qua da và hòa tan trong huyết tương sẽ tăng 22 - 30 lần so với ô-xy trong máu người bình thường. Ô-xy cao áp vừa có tác dụng điều trị, vừa có tác dụng điều dưỡng. HBO có hai tác dụng làm giảm kích thước những bóng khí gặp trong những bệnh tắc mạch như bệnh giảm áp, hoại thư hay gia tăng ô-xi trong tất cả các mô trong cơ thể. Nếu cho bệnh nhân thở ô-xy nguyên chất ở áp suất 3 atmosphere thì lượng ô-xy hòa tan trong máu sẽ lớn hơn trên 20 lần so với bình thường.
Phương pháp này đang được điều trị trẻ tự kỷ khá phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh.
8. Trị liệu tế bào gốc (Term cell therapy)
Tế bào gốc thường là những tế bào ở giai đoạn rất sớm có khả năng phân chia để tạo ra nhiều tế bào gốc hơn, hoặc trong những điều kiện thích hợp có thể biến thành các loại tế bào chuyên biệt khác chẳng hạn như tế bào thần kinh, cơ, da, gan, v.v... Tế bào gốc là tế bào chủ của cơ thể, có tiềm năng trở thành nhiều loại mô khác nhau. Việc lưu giữ tế bào gốc mở ra những phương pháp mới để sửa chữa và thay thế các mô bị bệnh hoặc tổn thương trong cơ thể.
Một số quan niệm tin rằng trẻ bi tự kỷ là do bị khiếm khuyết một hệ thống gien di truyền nào đó, những tác giả của quan niệm này hy vọng khi bản đồ gien được giải mã hoàn toàn sẽ là cơ hội duy nhất chữa thành công bệnh tự kỷ.
9. Hoạt động trị liệu
. Vận động thô
Là hình thức trị liệu dễ làm và đơn giản, với mục đích tăng cường khả năng hoạt hoá các hành vi, nâng cao thể lực, củng cố các hành vi tích cực, giảm thiểu các hành vi tiêu cực, nâng cao khả năng tập trung chú ý, là giai đoạn cần thiết để trước khi thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt.
. Thể dục
Chương trình này tạo cho trẻ bắt chước, cùng hoạt động với bạn bè, sự tương tác qua lại, hình thành những nhận thức xã hội, tăng cường thể lực, hỗ trợ tốt cho giáo dục đặc biệt.
Ngoài ra còn các phương pháp khác như: Massage, châm cứu…cũng được sử dụng trong trị liệu trẻ tự kỷ.
II. CÁC PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ - GIÁO DỤC
1. Trị liệu phân tâm
Phương pháp này chủ yếu là chơi và nói chuyện, nhằm giúp trẻ và gia đình giải tỏa những căng thẳng dồn nén trong quá khứ, hệ thống lại cấu trúc nhân cách của trẻ. Trong trị liệu phân tâm sẽ giúp cải thiện bầu không khí gia đình, giúp mọi người thấu hiểu thực tại và chấp nhận thực tại tốt hơn, mọi người sẽ vui vẻ hơn trong giao tiếp và chăm sóc trẻ. Điều này giúp trẻ tự kỷ cải thiện tình huống giao tiếp và hình thành sự tiếp xúc qua lại. Khuyến khích trẻ hợp tác trong mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình, nhà trường và xã hội; từ đó, tình trạng tự kỷ của trẻ được cải thiện dần dần.
2. Phương pháp tâm vận động
Một phương pháp kích thích trẻ hoạt hóa hành vi. Quan điểm chi phối của phương pháp là: Vận động (hoạt động) của cơ thể sẽ dẫn đến sự nhanh nhạy hệ thần kinh và tác động đến phát triển tâm lý, vận động về cơ thể càng tăng thì vận động về tâm lý tăng theo; phát triển vận động sẽ dần phát triển tâm lý. Đồng thời sự phát triển tâm lý sẽ kéo theo sự phát triển vận động. Phương pháp này giúp những trẻ em gặp các vấn đề khó khăn về tâm lý có khả năng phối hợp các chức năng tâm trí tản mạn, hướng trẻ đến những hoạt động tâm lý có ý nghĩa cho chính trẻ em đó và cho những người xung quanh. Khả năng hợp tác của trẻ được tăng lên khi áp dụng phương pháp.
3. Phương pháp chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ:
Đây là phương pháp can thiệp thường thấy nhất ở trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ có khó khăn về liên hệ; điều này bị chi phối to lớn bởi ngôn ngữ và lời nói. Theo các chuyên gia âm ngữ trị liệu, nếu trẻ tự kỷ biết nói sẽ ảnh hưởng rất tốt cho sự phát triển trong tương lai. Nên chỉnh âm là một phần đặc biệt quan trọng cho trị liệu. Trị liệu thường được áp dụng cho từng trẻ một, diễn ra từ một đến hai tuần một lần và đôi khi kéo dài nhiều năm. Mục tiêu và phương pháp được soạn dựa vào khả năng ngôn ngữ của trẻ.
4. Trò chơi đóng vai
Đây là sự diễn xuất tình huống, người đóng phải tưởng tượng mình là nhân vật khác, biểu lộ những buồn bực, nóng giận, vui vẻ hạnh phúc… mà vai diễn quy định. Ví dụ: tập làm MC, nhạc công, công an, cô giáo, bác sỹ…
Trò chơi đóng vai thể hiện mức độ cao trong phát triển nhận thức, nêu trẻ làm tốt phương pháp này thì cơ hội hòa nhập của trẻ hầu như bình thường, có thể tham gia tốt vào đời sống xã hội, cộng động.
5. Phương pháp giáo dục đặc biệt
Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ là một việc thông thường. Do trẻ tự kỷ bị rối loạn phát triển nên có rất nhiều khiếm khuyết: trí tuệ, giao tiếp, xúc cảm, tình cảm, ngôn ngữ, tự phục vụ… Thông qua giáo dục sẽ giúp trẻ hiểu và có kỹ năng hòa nhập xã hội, tăng cường khả năng giao tiếp, giúp nhận thức sự vật và hiện tượng xung quanh, hiểu biết và quan tâm đến những ứng xử tình cảm của người khác, tăng cao khả năng hội nhập cộng đồng.
Những nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển, việc giáo dục trẻ tự kỷ thường sớm hơn trẻ bình thường. Xu hướng hiện nay là giáo dục cho trẻ tự kỷ ngay sau khi đưa ra chẩn đoán. Việc giáo dục trẻ tùy thuộc vào khả năng nhận thức và hành vi của trẻ; mục tiêu, chương trình và phương pháp đều được thiết kế dựa vào mức độ trí tuệ của trẻ.
6. Trị liệu thông qua các môn nghệ thuật
. Âm nhạc trị liệu
Cũng giống như các phương pháp trị liệu hiện nay; trị liệu âm nhạc không thể chữa lành bệnh tự kỷ. Mục tiêu mà trị liệu âm nhạc hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, tăng cường các tương tác xã hội thông qua âm nhạc. Theo các tác giả của phương pháp này, trị liệu âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới xúc cảm, tình cảm mà những điều này đang gây khó khăn cho trẻ tự kỷ. Thế giới xúc cảm, tình cảm được cho là thế giới lạ lùng của trẻ tự kỷ nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự. Đồng thời trẻ tự kỷ trong khi nhận thức chỉ hiểu được nghĩa đen, nghĩa thực tại hiện hữu của sự vật, khó khăn trong hiểu nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ. Ở đây âm nhạc có lợi vì trẻ có thể thưởng thức nhạc theo nghĩa đen mà không cần theo dõi diễn biến trừu tượng của bản nhạc.
. Vẽ và Nặn
Đây là hoạt động mang tính sáng tạo, dễ thực hiện, không quá coi trọng tính đúng sai của sản phẩm, phát huy khả năng tự do tưởng tượng của trẻ. Thông qua vẽ và nặn, trẻ có thể nâng cao khả năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay và mắt, giúp trẻ từng bước làm chủ các vận đông kỷ xảo trong học viết và các thao tác tinh tế khác. Ngoài ra hoạt động này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú y, làm chủ các hành vi một cách có ý thức.
. Thơ, đồng dao
Do trẻ tự kỷ có khả năng nhớ máy móc hơn nhớ ý nghĩa, nên việc dạy trẻ đọc chữ thông qua thơ đồng dao có giá trị đáng khích lệ. Với những tiết tấu, giai điệu, vần điệu, từ ngữ đơn giản, tươi sáng và dễ hiểu của thơ, đồng dao sẽ giúp cho trẻ dễ tiếp thu hơn. Đây là hình thức học tự do không có áp lực.
7. Phương pháp nhóm:
Trẻ tự kỷ gặp khiếm khuyết nghiêm trọng về giao tiếp và tương tác xã hội, phương pháp nhóm giúp trẻ hòa nhập với trẻ em cùng trang lứa với mục đích kích thích trẻ tương tác qua lại với các thành viên khác. Thông qua chơi nhóm, trẻ hiểu những cách ứng xử và quy định của nhóm. Hoạt động của các thành viên chính là những nhân tố kích thích trẻ nhận thức và bắt chước, các thông điệp lời nói và không lời được truyền trong nhóm tác động đến từng thành viên, lôi kéo các thành viên tham gia hoạt động. Tình trạng tự kỷ được cải thiện khi trẻ tự kỷ dần dần chơi tương tác với các thành viên khác trong nhóm.
Có hai loại : nhóm lớp học và nhóm tự do ngoài môi trường tự nhiên.
8. Phương pháp lao động trị liệu:
Lao động trị liệu hướng dẫn trẻ thực hiện những công việc phải thực hiện hằng ngày tại gia đình hoặc nơi nuôi dạy trẻ. Thông thường trẻ phụ giúp mọi người làm những công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ của trẻ. Thông qua hoạt động này giúp trẻ hiểu chính xác các sự vật và hiện tượng của môi trường tự nhiên, điều này có ý nghĩa to lớn cho tương lai của trẻ khi bước vào cuộc sống tự lập, tự phục vụ bản thân, khi mà không còn các dịch vụ chăm sóc đặc biệt như lúc còn nhỏ.
9. Thủy trị liệu
Nước rất gần với con người, ngoài chức năng nuôi sống cơ thể, nước còn giúp con nguời trong các hoạt động tâm lý xã hội. Hầu hết trẻ em đều thích nước và chơi với nước,thông qua thủy trị liệu trẻ sẽ nhận thức tốt về cảm giác bản thể, các cảm giác da, sự thăng bằng, sự cảm nhận…Nước chính là một trong những chất liệu kích thích nhận thức của trẻ em nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.
10. Dã ngoại trị liệu
Đây là hoạt động nhằm thay đổi môi trường, đẩy trẻ vào môi trường mới lạ đẩy rẫy kích thích, tăng tính tò mò giúp thu thập thông tin. Ngoài ra hoạt động này còn khai thông những sinh hoạt, học tập nhàm chán lặp đi lặp lại trong môi trường quen thuộc. Khi đi dã ngoại, với những hoạt động đặc trưng trẻ có thể pháp huy tối đa tất cả các giác quan hoạt động cùng lúc, giúp phát triển về nhận thức thế giới và cảm nhận cơ thể.
11. Trị liệu cảm giác (sensory therapy)
Theo các chuyên gia nghiên cứu về trẻ tự kỷ, hầu hết trẻ tự kỷ ít nhiều có rối loạn cảm giác tùy theo mức độ khác nhau và ở những giác quan khác nhau, có những trẻ chỉ bị rối loạn một vài loại giác quan nào đó nhưng cũng có thể tất cả giác quan. Những rối loạn thường phổ biến ở hai thái cực là thiếu nhạy cảm hoặc quá nhạy cảm hay ngưỡng cảm giác quá thấp hoặc quá cao, cũng có thể trẻ thiếu nhạy cảm ở giác quan này nhưng lại tăng nhạy cảm ở giác quan khác, có khi độ nhạy cảm của trẻ bị thay đổi trên cùng một giác quan ở những thời điểm khác nhau hay hoàn cảnh khác nhau.
Do cảm giác là cơ quan thụ cảm, là đầu vào của các hoạt động nhận thức, nếu cảm giác bị rối loạn tất yếu dẫn đến rối loạn nhận thức, đồng thời sẽ gây ra rối loạn phát triển. Chính vì lý do đó mà trong trị liệu trẻ tự kỷ trị liệu cảm giác là công việc rất quan trọng.
12. Động vật trị liệu
Cũng là phương tiện trị liệu như đồ vật, hình ảnh hay đồ dùng học tập…, trong trị liệu trẻ tự kỷ động vật trị liệu khác về chất so với những công cụ trên. Các công cụ trị liệu là những vật vô tri vô giác chịu sự tác động thụ động của con người, trong khi đó động vật có những phản ứng tự nhiên nhiều khi không theo hướng dẫn của con người. Khi con người tác động với con vật là quan hệ tương tác hai chiều, con vật có thể tuân theo ý muốn của con người và cũng có thể không tuân theo, mối tương tác này diễn ra theo chiều hướng phong phú hơn rất nhiều khi con người tương tác với đồ vật. Trong việc sử dụng động vật để trị liệu không những con người kích thích con vật mà ngược lại con vật kích thích cả con người.
Do đó sử dụng động vật trong trị liệu trẻ tự kỷ với sự tương tác của con vật phần nào giúp trẻ cởi mở hơn, hạn chế việc cố định đóng khung trong trạng thái tự kỷ.
13. Tư vấn tâm lý
Nhằm cung cấp cho các phụ huynh những thông tin về trẻ tự kỷ: phương pháp can thiệp, cách chăm sóc giáo dục, các dịch vụ chăm sóc, những ứng phó trong tương lai, đặc biệt là những thông tin cập nhật về trẻ tự kỷ hiện hành. Qua tư vấn giúp cho các phụ huynh có tâm lý thoải mái, chấp nhận tình trạng bệnh của trẻ, giúp họ lựa trọn các dịch vụ và phương pháp trị liệu thích hợp.
14. Trò chơi trị liệu
Chơi là một hoạt động chủ yếu trong phát triển nhân cách của trẻ em, nếu trẻ thiếu hoạt động chơi hoặc hoạt động chơi không diễn ra đúng theo quy luật phát triển của trẻ, có thể gây ra sự phát triển bất thường trong đời sống tâm lý. Chơi giúp phát triển nhận thức, hoàn thiện các cơ quan cảm giác, hình thành các quan hệ xã hội…Trẻ tự kỷ cũng như những trẻ bình thường khác đều rất cẩn các hoạt động chơi.
15. Phương pháp cắt khúc thời gian
Phương pháp này trẻ sẽ được tiếp cận thực tế những đồ vật và hoạt động thực tế đời sống hằng ngày. Người tiến hành phương pháp này là những người nuôi dạy và chăm sóc bé. Từng chi tiết của công việc hướng dẫn được tiến hành trực tiếp trong môi trường sinh hoạt hằng ngày. Vật liệu cho hướng dẫn chính là đồ vật sinh hoạt của gia đình hay một cơ sở chăm chữa trẻ tự kỷ. Người hướng dẫn sẽ phải chia cắt thời gian, cùng những hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho phù hợp với tính cách và khả năng từng trẻ. Chia cắt thời gian và chia cắt từng hoạt động chính là đặc trưng cơ bản của phương pháp này.
16. Computer
Chơi trên máy vi tính là sở trường của trẻ tự kỷ, có thể trẻ tự kỷ không thích nhiều thứ trong cuộc sống nhưng hầu hết trẻ tự kỷ đều thích máy vi tính. Thông qua những kích thích hình ảnh, âm thanh, màu sắc, kết cấu…nhằm thu hút sự tập trung chú ý.
Thông thường, qua máy vi tính kích thích trẻ học tập trên cơ sở những phần mềm phát triển trí tuệ: học toán, học chữ, màu sắc, hình khối, rèn luyện trí nhớ, tưởng tượng, phản xạ, ứng phó các tình huống…nhằm cải thiện khả năng nhận thức của trẻ.
17. Phương pháp ABA:
ABA là ba chữ viết tắt: Applied Behaviour Analysis (Ứng dụng phân tích hành vi). Đây là phương pháp được quan tâm nhiều nhất trong trị liệu trẻ tự kỷ. Nó là chương trình ứng dụng nhằm cải thiện nhiều mặt của trẻ tự kỷ: nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ… Những mặt này của trẻ tự kỷ sẽ được thăm khám, quan sát rất kỹ lưỡng; trên cơ sở đó nhà hành vi xây dựng chiến lược trị liệu cho riêng từng trẻ (phương pháp này không thể áp dụng cho nhiều trẻ cùng một lúc), tiến hành chia nhỏ những phân tích, những hành vi mà trẻ cần thực hiện trong chương trình; hành vi sẽ được chia nhỏ để dễ thực hiện nhất. Sự khuyến khích động viên trẻ hợp tác là một điều rất quan trọng của phương pháp; từng trẻ khác nhau sẽ có những đam mê và sở thích khác nhau; nhà hành vi nên hiểu rất rõ điều này để xây dựng kế hoạch khuyến khích cho phù hợp. Đồng thời chương trình này cũng nhấn mạnh việc loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực, giúp trẻ có ứng xử phù hợp với cuộc sống.
18. Phương pháp PECS
PECS được viết tắt bởi bốn chữ trong tiếng Anh là: Picture Exchange Communication System (Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh). Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh là một công cụ hết sức quan trọng trong việc can thiệp chứng tự kỷ. Trong PECS, ngôn ngữ lời nói được thay thế bằng việc sử dụng thẻ hình cho giao tiếp. Khi trẻ tự kỷ chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ bị hạn chế, hình ảnh sẽ giúp trẻ yêu cầu người khác và thực hiện yêu cầu của người khác. Hình ảnh lúc này là trung gian để chuyển tải thông tin diễn ra mối quan hệ tương tác giữa trẻ tự kỷ và người lớn. Theo các chuyên gia về phương pháp này thì tình trạng giao tiếp của trẻ khá lên rất nhiều khi sử dụng phương pháp PECS. Đây được coi là phương pháp hỗ trợ cho ngôn ngữ trong giao tiếp và góp phần hình thành ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ.
19. Phương pháp TEACCH
TEACCH là chữ viết tắt của Treatment Education Autism Children Communication Handicape. TEACCH là phương pháp giáo dục và dạy dỗ dành cho trẻ em tự bế và những người có rối loạn trong việc diễn tả tư tưởng tình cảm và tạo quan hệ tiếp xúc qua lại với người khác. Những lĩnh vực mà TEACCH quan tâm khi tiến hành can thiệp trẻ tự kỷ: trẻ tự kỷ có khó khăn gì? Ý nghĩa của những khó khăn là gì? Cách thức, phương pháp, dụng cụ can thiệp gồm có những gì? Mục đích, mục tiêu trong từng phần và suốt quá trình là gì? Ưu tiên những hoạt động nào khi tiến hành trị liệu. Mục tiêu của từng ngày và kế hoạch của những ngày tiếp theo là gì? Các phần mà TEACCH quan tâm trong dạy trẻ tự kỷ là bắt chước, nhận thức, vận động thô, vận động tinh, phối hợp mắt và tay, kỹ năng hiểu biết, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng tự lập, kỹ năng xã hội.
20. Phương pháp FLOORTIME
Floortime áp dụng ngay trong cuộc sống bình thường của trẻ, người hướng dẫn ứng phó linh hoạt các diễn biến xảy ra trong mối quan hệ hiện tại, thúc đẩy trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động trị liệu.
Floortime nhận ra rằng mỗi đứa trẻ có một khó khăn duy nhất liên quan tới nó, bởi vậy cho nên công viêc can thiệp cũng phải duy nhất. Tiếp cận Floortime tập trung vào việc giúp đỡ trẻ làm chủ các kỹ năng quan hệ, liên lạc và suy nghĩ.
21. Phương pháp COMPC (Communication Picture)
Là phương pháp xuất hiện lần đầu tiên ở Úc, nhằm dạy trẻ cách thức giao tiếp thông qua hình ảnh bằng cách chụp những hình ảnh trẻ quan tâm thích thú, hình ảnh quen thuộc, phong cảnh ở nơi trẻ đã đến. Với những hình ảnh trẻ thích và những đồ vật quen thuộc sẽ giúp trẻ học tốt hơn.
22. Phương pháp PCS (Picture Communication Symbols)
Đây là phương pháp do Johonson, người Mỹ đưa ra năm 1981 với mục đích dạy trẻ hiểu những ký hiệu giao tiếp thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Phương pháp này chủ yếu áp dụng cho những trẻ tự kỷ nặng, không có khả năng nói.
23. …..
*******************
Trên đây là những phương pháp khá tiêu biểu đã và đang được áp dụng đối với trẻ tự kỷ. Khi mà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến tự kỷ của trẻ em và đồng thời cũng chưa thể đưa ra được phương pháp trị liệu duy nhất thì các phương pháp trên vẫn được coi là phương pháp tổng hợp khi tiến hành can thiệp cho trẻ tự kỷ. Mỗi một phương pháp ở trên xét về một phương diện nào đó đều được phát hiện là có hữu ích. Mỗi một trẻ tự kỷ khác nhau sẽ được tiến hành các phương pháp khác nhau. Vấn đề ở chỗ là người hướng dẫn trị liệu cho từng trẻ cụ thể sẽ áp dụng phương pháp nào? Phương pháp nào trước, phương pháp nào sau, kết hợp sự hỗ trợ của các phương pháp với nhau như thế nào? Do đó việc xây dựng chiến lược trị liệu cho trẻ tự kỷ là một điều quan trọng bậc nhất. Điều này tùy thuộc vào gia đình và chuyên gia trị liệu.