Thúc ép trẻ dễ gây nên phản ứng “ngược”
Tâm lý “khoe con”, khao khát con thành tài, ưu tú ngay từ nhỏ của đa số phụ huynh Việt thường tạo ra những lực ép “vô hình”, gây ra hệ quả nghiêm trọng đối với trẻ trong giai đoạn 0-6 vô cùng nhạy cảm này.
Theo cô Hoàng Tuyên, những áp lực vượt quá giới hạn của trẻ mà không có sự chuẩn bị tâm lý từ trước sẽ gây cho trẻ một số vấn đề như mặc cảm, buồn chán, luôn cảm thấy sợ hãi và tự ti về khả năng của bản thân mà không chịu nỗ lực, phấn đấu trong học tập, cuộc sống…
Ngoài ra, việc áp đặt, thúc ép trẻ tiến bộ nhanh chóng cũng khiến tình cảm gia đình rạn nứt, ba mẹ thiếu gắn kết với con cái, khiến những đứa trẻ cảm thấy thiếu niềm vui và hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình.
Làm sao để thúc đẩy sự tiến bộ ở trẻ mầm non mỗi ngày?
Đặt kỳ vọng thái quá vào trẻ hoặc thúc ép trẻ phải tiến bộ nhanh và ngay lập tức là điều tối kỵ trong môi trường giáo dục Montessori và ngay cả trong gia đình. Ba mẹ có thể tham khảo cách giáo viên Montessori thúc đẩy sự tiến bộ ở trẻ để khích lệ con phát triển tự nhiên mỗi ngày.
Quan sát và ghi chép – Chìa khóa hỗ trợ trẻ thành công
Tại Sakura Montessori, để khuyến khích sự tiến bộ ở trẻ, các giáo viên Montessori tập trung quan sát từng trẻ và ghi lại những gì mình quan sát được từ trẻ mỗi ngày.
Cô Tuyên cho biết: “Giáo viên Montessori sẽ đánh giá kỹ năng bài học của trẻ qua ghi chép hàng ngày và lập báo cáo tiến độ hàng tuần. Từ đó, giáo viên sẽ là người nhìn nhận, thấu hiểu nhu cầu, sở thích và nhịp độ phát triển của trẻ để lên kế hoạch bài học với kỹ năng nâng cao dần hoặc ôn lại cho trẻ nếu trẻ chưa thành thạo kỹ năng đó. Mỗi bài học sẽ được thiết kế phù hợp với từng khả năng của trẻ để trẻ không cảm thấy chán nản, từ đó mất động lực học hỏi.”
Ví dụ: Trẻ hứng thú với góc Toán học: Khi giáo viên lên kế hoạch và hướng dẫn con bài học số cát 1,2,3, nếu con ghi nhớ tốt, cô sẽ ghi lại và lên kế hoạch hướng dẫn các bài học tiếp theo với độ khó tăng dần về số 4,5,6. Nếu con còn nhầm lẫn mặt số, giáo viên cũng sẽ ghi lại và tiếp tục hướng dẫn lại bài học 1,2,3 vào tuần tiếp theo trước khi chuyển sang bài số 4,5,6.
Giáo viên phải là người hiểu rõ sự phát triển của trẻ để đưa ra lộ trình phát triển cho con
Khi ở nhà, thay vì giám sát, ba mẹ cũng nên dành thời gian quan sát con để biết con thích làm gì, con đang hứng thú với hoạt động gì trong góc học tập, góc chơi của riêng con… Từ đó, ba mẹ sẽ lên kế hoạch hỗ trợ con học tập, vui chơi có ích, đồng thời trao cho con cơ hội tự do trải nghiệm khám phá để phát triển về trí tuệ, thể chất, tinh thần và kỹ năng như tính tự giác, độc lập, chủ động…
Chuẩn bị môi trường sẵn sàng cho những trải nghiệm của trẻ
Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực phát triển cho trẻ.
Trước mỗi giờ đón trẻ, giáo viên sẽ vệ sinh lớp học, giáo cụ sạch sẽ, sắp xếp giáo cụ ngay ngắn theo quy tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích và năng lực của trẻ. Tranh ảnh, cây xanh hay bất cứ giáo cụ nào phục vụ việc học và vui chơi của trẻ đều được chuẩn bị sẵn sàng.
“Hệ thống bài học được sắp xếp từ dễ đến khó, góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ trẻ đạt được sự tiến bộ mỗi ngày. Trẻ có cơ hội trải nghiệm và đạt được thành công với những bài học đơn giản là tiền đề để giúp trẻ vượt qua các bài học phức tạp hơn trong những ngày sau.” – Cô Tuyên chia sẻ.
Các lớp học rộng rãi với đa dạng các giáo cụ trực quan, sinh động
Tại nhà, ba mẹ có thể chuẩn bị môi trường học tập, vui chơi sẵn sàng cho con bằng cách bày trí các khu vực này một cách khoa học, thẩm mỹ. Các đồ đạc trong nhà đều đảm bảo tính an toàn, có kích thước và phù hợp tầm với của con… nhằm tạo mọi cơ hội để con tự làm, tự thực hiện và tự vui chơi.
Không ngừng tạo động lực cho trẻ
Để thực hiện được điều này, người lớn cần tôn trọng trẻ, nhìn nhận trẻ như một cá thể độc lập, có nhịp độ phát triển riêng và có thể tự làm những công việc vừa sức. Ba mẹ hay giáo viên chỉ đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ khi con cần mà thôi!
Hãy trao quyền tự do
Lựa chọn hoạt động học tập, vui chơi của trẻ trong lớp và tại nhà. Điều này trùng khớp với quan điểm giáo dục Montessori của tiến sĩ Maria Montessori. Bởi khi trẻ được trao quyền tự do, năng lượng phát triển và tiến bộ của con sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hãy ghi nhận thành công và luôn khích lệ con thay vì la mắng, chê bai.
Với con, điều con cần không phải là những lời khen có cánh mà là sự ghi nhận công sức trẻ. Thay vì nói: “Con vẫn chưa hoàn thành công việc này, hãy tiếp tục làm đi!”, ba mẹ hãy dành cho con những lời động viên: “Ồ, con đã làm tốt hơn rồi đó, hãy tiếp tục cố gắng như vậy nhé, mẹ tin công việc này sắp hoàn thành rồi!”, Ba/mẹ đã thấy con rất cố gắng hoàn thiện bức tranh này”… Những lời động viên, khích lệ sẽ mang đến cho con những cảm xúc tích cực, biết coi thất bại là một cơ hội để cố gắng hơn nữa.
Giáo viên luôn khích lệ , động viện trẻ mỗi ngày
“Trước khi làm một phụ huynh, hãy là một người bạn đồng hành cùng con. Ba mẹ cần nhớ rằng: Học tập là một quá trình tích lũy kiến thức cho bản thân, là một hành trình đam mê chứ không phải là sự cạnh tranh, hơn thua với người khác. Chỉ khi học tập vì yêu thích thực sự, con mới gặt hái được thành công, có bước tiến vượt trội.” – Cô Tuyên nhấn mạnh.
Với những thông tin trên, hy vọng Quý Phụ huynh đã hiểu rõ hơn về cách giáo viên Montessori thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ để có thể ứng dụng hiệu quả tại nhà, mang đến cho con một môi trường phát triển toàn diện và hạnh phúc.