Trẻ nhỏ luôn mong muốn được yêu thương. Và khi được yêu thương, cha mẹ dành thời gian chăm sóc, sống trong môi trường ngôn ngữ vui tươi và có một thể chất tốt, trẻ sẽ được đảm bảo phát triển ngôn ngữ bình thường. Phương pháp này đặc biệt quan trọng cho sự phát triển trong bốn năm đầu đời của trẻ. Tìm hiểu ý nghĩa tiếng khóc gần như ngày nào đơn vị tâm lý của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM cũng tiếp nhận hàng chục trẻ em chậm nói đến khám bệnh. Các bà mẹ khi đưa con đến khám thường than phiền với bác sĩ và chuyên gia tâm lý rằng “con tôi đã gần 4 tuổi rồi mà chỉ nói được vài từ rời rạc” hoặc “cháu toàn nói những câu ngược, khó hiểu”. Theo bác sĩ Ngọc Thanh - phụ trách đơn vị tâm lý - giao tiếp là một phần cuộc sống của trẻ. Một số trẻ nếu không đạt được những nhu cầu về thể chất, tâm lý và cảm xúc thì không thể nói và giao tiếp với người khác. Một số khác sẽ học nói chậm hơn và chỉ có một số nói tốt. Bác sĩ Ngọc Thanh cho biết để trẻ không bị chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, cha mẹ cần cố gắng làm giảm thiểu chấn thương tâm lý và những biến động đột ngột từ gia đình. Những biến động như cha mẹ ly dị, cha mẹ căng thẳng với nhau hay cha mẹ chết; trẻ phải nằm viện ở những thời điểm quyết định trong giai đoạn phát triển cảm xúc... đều ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và ngôn ngữ của trẻ. Cũng cần nói thêm tiếng khóc của trẻ là ngôn ngữ đầu tiên. Nếu cha mẹ chỉ tìm cách cho trẻ ngưng khóc mà không tìm hiểu ý nghĩa của tiếng khóc để đáp ứng nhu cầu của trẻ, cũng sẽ làm trẻ bị ức chế, không biểu lộ được cảm xúc ngay từ nhỏ và khi lớn lên trẻ sẽ bị ức chế trong lời nói. Một nguyên nhân khác có thể đưa đến chậm nói là trẻ không muốn lớn mà chỉ muốn làm em bé mãi để được mẹ nuông chiều. Đặc biệt, khi có em quá sớm (hai trẻ cách nhau chưa đầy hai năm) thì trẻ lớn thường ganh tị với trẻ nhỏ, sợ mẹ không thương mình nên không muốn lớn lên để được mẹ quan tâm chăm sóc. Trò chuyện từ trong bụng mẹ Cách phòng ngừa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói hiệu quả nhất là thông qua việc rèn luyện sức khỏe đối với bà mẹ trong thai kỳ và trong suốt thời kỳ thơ ấu của trẻ. Một trẻ ra đời mà không được mong đợi có thể bị rối loạn ngôn ngữ về sau. Ngay từ khi bé còn ở trong bụng mẹ (khoảng sáu tháng), bé đã phát triển phần nào các ngũ quan. Vì vậy bà mẹ nên đặt tên cho bé từ trong bụng và trò chuyện với bé, cho bé nghe nhạc giao hưởng hoặc nghe những bài hát ru. Khi bé ra đời, mẹ làm gì cũng cần nói với trẻ: “Mẹ cho con bú nhé”. “Bây giờ mẹ tắm cho con mát nghe”. “ Con ngoan, hai mẹ con mình đi ngủ nào”... Ngay cả những khi bé giật mình vì tiếng còi ôtô, tiếng đóng cửa; hay khi bé sợ hãi tiếng mưa rơi trên mái nhà, tiếng sấm ầm ì... thì cha mẹ hãy giải thích cho trẻ biết: “Đó là tiếng còi ôtô, tiếng đóng cửa nhà đó con”, “Con đừng sợ, đó chỉ là tiếng mưa rơi thôi...”. Khi mẹ nói với bé giọng yêu thương, bé sẽ được trấn an, bé sẽ cảm nhận qua cung giọng nói của mẹ tình yêu thương, sự quan tâm đến bé. Có những trẻ thiếu sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ đã tìm cách để cha mẹ quan tâm bằng việc quậy phá, không ngoan. Những bé này chỉ cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ qua đòn roi, vì trong vô thức bé cho rằng không quậy phá thì mẹ không để ý, quan tâm đến mình. Điều này khiến bé chỉ biết giao tiếp qua bạo lực. Và khi lớn lên, bé cũng dùng cách giao tiếp bạo lực ấy với người khác. Hiện nay vẫn còn không ít phụ huynh lầm tưởng rằng bé còn quá nhỏ thì sẽ không hiểu biết gì và không cần phải nói chuyện với bé. Thực tế là bé không hiểu ý nghĩa của lời nói, nhưng lại cảm nhận được giọng nói êm dịu hoặc giận dữ của mẹ. Nếu trẻ không được tạo niềm vui khi giao tiếp thì ngôn ngữ của trẻ cũng chậm phát triển. Chính vì vậy mà người lớn cần dành thật nhiều lời nói yêu thương cho trẻ.