Khi ba mẹ hiểu về triết lý giáo dục Montessori, ba mẹ hoàn toàn có thể giáo dục trẻ dựa theo các nguyên tắc và đặc điểm cơ bản của phương pháp Montessori.
Dưới đây là một số nguyên tắc mà ba mẹ cần nhớ.
1. Tôn trọng
Tôn trọng con chính là cách để ba mẹ dạy con mình hiểu thế nào là tôn trọng và lịch sự với mọi người xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ hình thành những kỹ năng ứng xử và giao tiếp chuẩn mực trong suốt những năm tháng đầu đời.
Sự tôn trọng của cha mẹ dành cho con được thể hiện đơn giản qua việc đặt bản thân bạn vào vị trí của con và hỏi tại sao con lại làm những điều như vậy. Hãy dành cho trẻ những cái ôm thật chặt. Hãy tôn trọng trẻ mọi lúc, mọi nơi.
2. Tự do di chuyển
Một trong những đặc điểm quan trọng của phương pháp giáo dục Montessori là việc trẻ được tự do di chuyển, tự do lựa chọn hoạt động yêu thích. Chính vì vậy, ba mẹ nên mang đến cho trẻ không gian và cơ hội để trẻ có thể di chuyển một cách tự do để khám phá môi trường xung quanh. Đừng nhốt trẻ trong những “cái hang”, “cái hộp” mà bạn tạo nên. Việc tự do di chuyển theo ý mình sẽ khiến trẻ khám phá môi trường sống và trải nghiệm những kỹ năng vận động mới.
Ví dụ, tùy theo độ tuổi, ba mẹ có thể tìm những nơi an toàn cho trẻ leo trèo, dạy trẻ đạp xe đạp, chạy bộ,… Khi trẻ học cách di chuyển, trẻ có thêm cơ hội phát triển, học các kỹ năng mới thông qua khám phá thế giới và hiểu về thế giới đang diễn ra thế nào quanh mình.
3. Tự do lựa chọn
Đưa cho trẻ các lựa chọn là cách để ba mẹ thể hiện sự tôn trọng của mình với con. Điều này có lợi nhất khi chơi cùng trẻ từ 1-3 tuổi. Ví dụ, trẻ có thể chọn ăn tối lúc này hoặc ăn tối sau với người khác, có thể mặc áo này với một trong hai màu…
Việc cho trẻ tự do lựa chọn sẽ giúp trẻ hiểu được bạn tôn trọng đặc điểm cá nhận của trẻ cũng như luôn tạo cơ hội để trẻ phát triển.
4. Dạy trẻ tự lập
Hãy tạo cơ hội để trẻ tự làm mọi việc mà trẻ có thể làm. Bởi chỉ khi tự làm, trẻ mới có thể tự khám phá, tự trải nghiệm và ghi nhớ lâu hơn. Hãy cố gắng đơn giản hóa các công việc liên quan đến trẻ để trao cơ hội cho trẻ có thể tự mình làm các công việc Ba mẹ có thể để trẻ tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh, tự dọn đồ chơi,… Hãy cho trẻ tự ăn cho dù điều này sẽ tạo ra một chiến trường rơi vãi, vì đây là cơ hội để trẻ thực hành các kỹ năng sống.
Và với mỗi hành động tự lập của trẻ, ba mẹ hãy quan sát để có thể hỗ trợ trẻ khi cần thiết ba mẹ nhé!
5. Giao tiếp
Hãy luôn nói với trẻ bằng một giọng nói rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu và cụ thể. Điều này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ hàng ngày. Hãy dạy cho trẻ biết cách lắng nghe người khác, không cắt lời, chen ngang khi mọi người đang nói. Hãy tôn trọng trẻ khi nói chuyện với chúng. Hãy thường xuyên nói với trẻ về những việc xung quanh, đã và đang xảy ra để trẻ có thể phát triển vốn từ.
6. Ưu tiên những đồ chơi, vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên
Thay vì mua những đồ chơi đắt tiền, ba mẹ có thể tự làm đồ chơi cho trẻ từ những hộp bìa cứng, bóng bay, các thanh vòng,… Hãy sử dụng những đồ chơi kích thích trẻ dùng tay như thả bóng vào hộp, xếp các vòng tròn… tạo sự mới mẻ và hứng thú cho trẻ. Đừng cho trẻ chơi những đồ chơi mà trẻ chỉ cần bấm một cái nút và rồi không cần phải làm gì nữa. Hãy dùng những đồ chơi giúp trẻ có thể tập trung thực sự nhiều hơn 2 giây.
Hãy đưa cho trẻ những đồ vật mà trẻ có thể cầm nắm được.
7. Hãy làm theo điều bạn thấy là đúng nhất cho con
Hãy tin vào chính bản thân mình rằng bạn đang làm điều đúng nhất cho con mình, nếu bạn cảm thấy như vậy. Đừng vì những áp lực dư luận hay những lời nhận xét từ mọi người xung quanh mà áp đặt những điều tiêu cực vào phương pháp dạy con của chính bạn.
8. Hãy kiên nhẫn
Khi mẹ đang bận rộn với chuyện bếp núc mà bé có hành động quấy phá hay làm đổ vỡ cái gì đó, nếu không bình tĩnh và kiên nhẫn, chắc chắn mẹ sẽ la mắng và đánh đòn trẻ. Nhiều ông bố vẫn ôm đồm công việc mà quên mất con mình, nếu trẻ vô tình là một dữ liệu nào đó trong máy tính bị mất, có thể trẻ sẽ được ăn một đòn roi ngay tức khắc trong cơn nóng giận không kiềm chế được… Đó chỉ là một trong số trường hợp ba mẹ thiếu kiên nhẫn với trẻ. La mắng, trách cứ, thậm chí đánh đập là điều mà rất nhiều bậc cha mẹ hành xử khi trẻ vô tình mắc lỗi.
Nhưng ba mẹ có biết, chỉ một giây thiếu kiên nhẫn thôi, ba mẹ có thể vô tình làm tổn thương con. Cho nên, thay vì phản ứng vội vàng, thái quá, hãy bình tĩnh với trẻ. Ba mẹ có thể lắng nghe những chia sẻ về cảm xúc của con trước, sau đó cùng con tìm ra hướng giải quyết tích cực nhất. Điều này sẽ khiến cho sợi dây kết nối giữa ba mẹ và con thêm bền chặt.
9. Hãy yêu thương và hỗ trợ con
“Tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra giới hạn cho các hành vi” – Đó chính là một trong những câu nói nổi tiếng của tiến sỹ, bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori. Chiêm nghiệm câu nói của Maria Montessori, ba mẹ dễ dàng nhận thấy rằng bất cứ mối quan hệ nào được vun đắp bằng tình yêu thương sẽ giúp con trẻ trở thành những công dân hạnh phúc.
Cho nên, hãy đến với trẻ, lắng nghe các con bằng tình yêu thương và sẵn sàng hỗ trợ khi con cần sự trợ giúp của ba mẹ. “Trẻ chỉ cư xử tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn”. Và sức mạnh của tình yêu sẽ giúp trẻ thoải mái tâm lý, suy nghĩ tích cực và hành động đúng đắn. Hãy thể hiện tình yêu vô bờ mà ba mẹ dành cho con mỗi ngày để mỗi bé đều cảm nhận được sự hạnh phúc khi có ba mẹ ở bên. Ba mẹ nhớ nhé không điều gì tốt đẹp hơn nếu các con được trưởng thành trong hạnh phúc.